Công Phượng được xem là một trong những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam. Dù vậy, cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo bóng đá HAGL JMG đã phải trải qua một hành trình xuất ngoại đầy thử thách mà không đạt được thành công như kỳ vọng.
Tiền đạo Nguyễn Công Phượng đang là tâm điểm của sự chú ý sau khi bật bãi khỏi CLB Yokohama. Đáng nói, bài chia tay của đội bóng Nhật Bản đã lột tả một cách trần trụi thực tế của cầu thủ này trong thời gian thi đấu ở nước ngoài, khi mà anh được nhắc đến nhiều qua… biệt tài pha cà phê hơn là đóng góp trên sân cỏ.
Cụ thể, thông báo chia tay Công Phượng của Yokohama FC có đoạn: “Nguyễn Công Phượng, người đồng đội đã cùng CLB chiến đấu trong một năm rưỡi vừa qua, sẽ rời đội vào ngày hôm nay. Mọi người đều yêu mến tính cách tốt bụng của Công Phượng. Chúng tôi cảm thấy buồn vì sẽ không thể uống được ly cà phê thơm ngon mà chính anh đã pha trong phòng thay đồ”.
Hành trình xuất ngoại chỉ toàn màu “buồn”
Tính đến nay, Công Phượng đã xuất ngoại đến 4 lần nhưng chưa bao giờ thực sự khẳng định được mình. Những bến đỗ của tiền đạo xứ Nghệ bao gồm: Mito Hollyhock (Nhật Bản, 2016), Incheon United (Hàn Quốc, 2019), Sint-Truidense (Bỉ, 2019-2020), và mới nhất là Yokohama FC.
Ở mỗi đội bóng, Công Phượng đều gặp khó khăn trong việc giành suất đá chính. Số phút thi đấu của cầu thủ này trong các mùa giải luôn rất ít, và không để lại dấu ấn gì nổi bật.
Thời gian thi đấu tại Incheon United năm 2019 được xem là điểm sáng nhỏ trong hành trình xuất ngoại của Công Phượng. Đây cũng là thời điểm mà cầu thủ này ở đỉnh cao phong độ sau những thành công cùng đội tuyển Việt Nam.
Công Phượng thi đấu tổng cộng 352 phút sau 8 trận. Dù vậy, việc chưa thể thích nghi với đội bóng Hàn Quốc đã khiến anh không còn được trọng dụng và buộc phải sớm chia tay đội bóng.
Việc sang Bỉ thi đấu cho CLB Sint-Truidense cũng không khá hơn là bao. Sự kỳ vọng với ngôi sao xứ Nghệ khi đó là khá lớn nhưng thực tế khắc nghiệt hơn rất nhiều. Bóng đá châu Âu đòi hỏi thể lực và chiến thuật cao đã khiến Công Phượng không thể thích nghi và nhanh chóng trở về Việt Nam trong thất bại.
Sau khi rời Sint-Truidense, cựu sao HAGL trở về Việt Nam thi đấu trong màu áo CLB TP.HCM. Cũng tại đội chủ sân Thống Nhất, chân sút sinh năm 1995 đã dần lấy lại sự tự tin.
Tiếp đó, Công Phượng trở lại chinh chiến trong màu áo HAGL. Dù không thể giành chức vô địch V.League ở mùa giải 2021 dưới sự dẫn dắt của Kiatisuk song Công Phượng cùng các đồng đội đã có cơ hội được góp mặt tại sân chơi Cúp C1 châu Á.
Tuy nhiên, thay vì chọn ở lại để phát triển sự nghiệp trong nước, anh một lần nữa quyết định thử thách bản thân bằng việc trở lại Nhật Bản thi đấu cho Yokohama FC. Gia nhập đội bóng thi đấu tại J.League khi đó được xem là bước tiến lớn của Công Phượng. Nhưng sự thật chưa thôi phũ phàng với cầu thủ này.
Ở mùa giải đầu tiên tại Yokohama FC, Công Phượng chủ yếu ra sân ở các trận đấu tập. Anh chỉ một lần thi đấu cho đội bóng khi vào sân ở phút bù hiệp 2 trận thua Nagoya Grampus 2-3 tại J-League Cup. Cựu sao HAGL không được đăng kí bất cứ trận nào tại J-League 1 và Cúp Hoàng đế Nhật Bản.
Đến mùa giải năm nay, khi Yokohama đã xuống hạng J-League 2 và dàn trụ cột cũng rời CLB song Công Phượng vẫn không thể chen chân vào đội hình thi đấu. Anh chỉ được chơi hai trận tại J-League Levain Cup.
Chân sút 29 tuổi thi đấu 68 phút ở trận thắng Fagiano Okayama tại vòng 2 hồi tháng 4. Đến vòng 3 vào tháng 5, Công Phượng được HLV Shuhei Yomoda tung vào sân ở phút 41, thay thế Mizuki Arai.
Tuy nhiên, đến phút 57, anh bất ngờ bị rút khỏi sân nhường chỗ cho Takuya Wada, vì chấn thương bắp chân. Đây cũng là điểm sáng duy nhất của Công Phượng trong suốt thời gian gắn bó với chủ sân Mitsuzawa Stadium.
Rõ ràng, sự quyết tâm bám trụ với đội bóng Nhật Bản của Công Phượng đã không đem lại được kết quả nào. Sau tất cả, ngôi sao 29 tuổi một lần nữa ngậm ngùi trở về nước. Rất có thể, đây sẽ là lần cuối cùng trong sự nghiệp cựu sao của HAGL xuất ngoại thi đấu.
Với việc Công Phượng rời Yokohama FC, bóng đá Việt Nam hiện không còn đại diện nào chơi bóng tại nước ngoài. Hy vọng rằng, hành trình của tiền đạo sinh năm 1995 có thể trở thành bài học quý, là niềm động lực đối với các cầu thủ trẻ.
Đôi khi, thành công không chỉ nằm ở việc gặt hái được những danh hiệu, mà còn nằm ở việc dám bước ra khỏi vùng an toàn và học hỏi từ những thất bại.